Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất chính trị, đạo đức và đạo đức nghề nghiệp
* Phẩm chất chính trị, đạo đức bao gồm các tiêu chí:
Yêu nước, vì sự phát triển của đất nước và dân tộc; Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; hiểu biết và thực hiện đúng pháp luật, chế độ, chính sách quy định của Nhà nước, các quy định của ngành, địa phương;
Tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội; Có ý chí vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao; Có khả năng động viên, khích lệ giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ; được tập thể giáo viên, cán bộ, nhân viên tín nhiệm.
* Về đạo đức nghề nghiệp với các tiêu chí:
Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; Trung thực, tâm huyết với nghề nghiệp và có trách nhiệm trong quản lý nhà trường; Ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực; Không lợi dụng chức vụ hiệu trưởng vì mục đích vụ lợi, đảm bảo dân chủ trong hoạt động nhà trường.
Có lối sống lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập. Có tác phong làm việc khoa học, sư phạm, chuyên nghiệp và có cách thức giao tiếp, ứng xử đúng mực, có hiệu quả.
Tiêu chuẩn 2: Sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi
Lãnh đạo các trường phổ thông cần biết xác định sứ mạng của nhà trường; Xác định rõ tầm nhìn của nhà trường, các giá trị cốt lõi mà nhà trường theo đuổi; Biết xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi; Biết tổ chức và quản lý nhà trường theo sứ mạng và tầm nhìn, giá trị theo đuổi.
Tiêu chuẩn 3: Chương trình, giảng dạy và đánh giá
Hiệu trưởng phải biết phát triển chương trình giáo dục cấp học và chương trình giáo dục nhà trường, chương trình môn học. Biết xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường.
Tổ chức giảng dạy thực hiện chương trình giáo dục nhà trường. Có khả năng tổ chức, thực hiện hiệu quả hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và giáo dục tích cực tạo ra sự phát triển toàn diện ở học sinh.
Đánh giá đúng năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục và đánh giá được chương trình giáo dục nhà trường, hoàn thiện chương trình theo hướng đảm bảo chất lượng giáo dục.
Thường xuyên phát triển chương trình giáo dục nhà trường đáp ứng yêu cầu xã hội và phát triển năng lực học sinh.
- Thường xuyên thực hiện tự đánh giá nhà trường và có kế hoạch cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Thực hiện kiểm định trường theo chu kỳ. Ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý phát triển chương trình giáo dục nhà trường, trong dạy học học, giáo dục học sinh.
Tiêu chuẩn 4: Chăm sóc tâm lý và tư vấn học sinh, đồng nghiệp
Đã lãnh đạo nhà trường thì cần có kỹ năng chăm sóc tâm lý học sinh và đồng nghiệp; Biết hướng dẫn, tư vấn học sinh trong học tập, hướng dẫn tư vấn đồng nghiệp trong giảng dạy và giáo dục học sinh.
Biết hướng dẫn, tư vấn học sinh, đồng nghiệp trong giải quyết các vấn đề thuộc đời sống tình cảm và các vấn đề xã hội. Tổ chức thực hiện được tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, tư vấn đồng nghiệp phát triển nghề nghiệp.
Biết tổ chức, chỉ đạo giáo viên chăm sóc tâm lý, tư vấn học sinh hiệu quả. Biết phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài trường để chăm sóc tâm lý, tư vấn học sinh trong học tập.
Biết phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài trường để chăm sóc tâm lý, tư vấn học sinh trong đời sống tình cảm và các vấn đề xã hội. Biết phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài trường để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Tiêu chuẩn 5: Năng lực quản lý nhân sự
Quy hoạch tuyển chọn, sử dụng và thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ và nhân viên; Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ và nhân viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, đảm bảo sự phát triển lâu dài của nhà trường;
Tạo động lực cho giáo viên, cán bộ, nhân viên phát huy sáng kiến xây dựng nhà trường; Thực hành dân chủ cơ sở, xây dựng khối đoàn kết nội bộ nhà trường; Phát triển môi trường làm việc tạo động lực cho giảng viên và nhân viên, học sinh học tập;
Phát triển môi trường văn hóa chất lượng, văn hóa xã hội và môi trường học thuật trong trường phổ thông tạo điều kiện để giáo viên và học sinh sáng tạo; Chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của giáo viên, cán bộ và nhân viên;
Thường xuyên quan tâm đến hoạt động phát triển nghề nghiệp cho giáo viên và nhân viên; Sử dụng được phần mềm quản lý nhân sự trong nhà trường.
6. Tiêu chuẩn 6: Cam kết với gia đình phụ huynh và cộng đồng
Hiệu trưởng phải là người xây dựng và duy trì mối quan hệ thường xuyên với gia đình học sinh để đạt hiệu quả trong hoạt động giáo dục nhà trường.
Đồng thời tổ chức phối hợp với các đoàn thể và các lực lượng trong cộng đồng xã hội để quản lý và giáo dục học sinh; Đảm bảo với gia đình và cộng đồng về sự tiến bộ của học sinh;
Bên cạnh đó, cần công khai hóa kết quả giáo dục đạt được ở học sinh trước gia đình, cộng đồng, xã hội; Thường xuyên thu thông tin phản hồi từ học sinh và lực lượng liên đới để nâng cao chất lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục; Công khai hóa kết quả kiểm định trường trước cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội;
Ngoài ra, phải biết hợp tác và chia sẻ thông tin về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý với các cơ sở giáo dục, cá nhân và tổ chức khác để hỗ trợ phát triển nhà trường; Tiếp nhận và xử lý các thông tin phản hồi để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Tiêu chuẩn 7: Tổ chức và quản lý
Lãnh đạo nhà trường phải xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả; Tuyển sinh, tiếp nhận học sinh đúng quy định; Quản lý tài chính đúng quy định và hiệu quả.
Quản lý phát triển chương trình giáo dục nhà trường đáp ứng yêu cầu xã hội và phát triển năng lực học sinh. Quản lý học sinh theo hướng đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra. Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản, cơ sở vật chất nhà trường.
Mặt khác, phải hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà trường và quản lý theo văn bản đã quy định. Quản lý hồ sơ sổ sách theo đúng quy định đảm bảo lưu giữ minh chứng rõ vào khoa học. Xây dựng các quy trình quản lý và tổ chức thực hiện theo quy trình.
Tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua và thu mọi thành viên tích cực thi đua. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm đảm bảo mọi hoạt động của nhà trường đều được kiểm soát.
Tiêu chuẩn 8: Cải tiến nhà trường
Lãnh đạo phải đạt chuẩn và quy chuẩn về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Biết khai thác các nguồn thông tin của các nước tiên tiến vào khu vực vận dụng vào đổi mới phát triển nhà trường.
Lãnh đạo và quản lý thành công sự thay đổi của giáo viên nhân viên, học sinh. Đồng thời lãnh đạo và quản lý sự thay đổi nhà trường hiệu quả.
Bài viết được biên tập từ tham luận “Đề xuất chuẩn lãnh đạo trường phổ thông” của PGS.TS Nguyễn Thị Tính. Trích trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chuẩn hiệu trưởng và phát triển chương trình tài liệu tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”.