Đang xử lý.....

Bình đẳng giới: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Hai, 17/02/2014, 03:37 (GMT+7) 2914

Ngành Giáo dục đã quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc chiến lược bình đẳng đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục, 3 năm thực hiện tiểu Đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong trường học” được tổ chức vào sáng 10/2.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 6 điểm cầu (Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ).

Đã có nhiều nữ quản lý giáo dục

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đến nay nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan đơn vị trong ngành Giáo dục được nâng lên.

Các địa phương, đơn vị đã quan tâm đến công tác quy hoạch cán bộ là nữ, các bộ trẻ, cán bộ người là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt là bồi dưỡng bổ nhiệm cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo.

Đến nay, phần lớn các các cơ sở GD&ĐT đã có cán bộ lãnh đạo là nữ. Hiện đã có 47 Sở GD&ĐT có Giám đốc, Phó giám đốc là nữ. Trong tổng số 247 giám đốc, phó giám đốc có 61 cán bộ nữ chiếm 25%.

Ngài ra, một số lượng lớn cán bộ nữ tham gia quản lý ở một số bậc học như: Khối mầm non có gần 40 nghìn nữ cán bộ làm quản lý chiếm 96%; khối tiểu học trên 18 nghìn chiếm 53%, khối THCS hơn 9 nghìn chiếm 37% và khối THPT trên 2 nghìn chiếm 28%.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Các chính sách đối với nữ giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa được quan tâm xây dựng và thực hiện. Nhiều địa phương quan tâm xây dựng nhà công vụ.

Đặc biệt, công đoàn nhiều trường đại học đã quyên góp ủng hộ các địa phương vùng khó xây dựng nhà công vụ từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nữ giáo viên miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ GD&ĐT cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án xóa mù chữ giai đoạn 2011 - 2020 và ký kết chương trình phù hợp với Bộ ngành để triển khai. Các sở GD&ĐT tích cực chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn.

Kết quả xóa mù chữ cho vùng miền đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh đến trường ngày càng tăng và đã đạt được sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục.

Bên cạnh đó công tác giáo dục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm và đã đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2015.

Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết kiến thức về giới và bình đẳng giới chủ yếu được thực hiện lồng nghép nhiều nội dung và đã tạo được hiệu ứng tích cực.

Qua đó góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong Ngành về giới và bình đẳng giới.

Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ, vai trò của phụ nữ trong ngành Giáo dục ngày càng được khẳng định.

Nhiều đơn vị đã triển khai có kết quả tốt như: các Đại học Cần Thơ, Ngoại thương, các Sở GD&ĐT Quảng Bình, Thái Nguyên.

Các hoạt động của tiểu Đề án II cũng được các sở, các trường tích cực triển khai và đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên những chuyển biến về nhận thức, từ đó thay đổi hành vi, phấn đấu rèn luyện theo phẩm chất đạo đức của người phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Bình đẳng giới nhiều nơi vẫn làm hình thức

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng nghiêm túc kiểm điểm một số hạn chế còn tồn tại trong thời gian qua.

Hiện một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới cũng như thực hiện tiểu Đề án II.

Có nơi việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa phát huy được vai trò của phụ nữ, chưa coi trọng phụ nữ, nhất là trong công tác quy hoạch tạo nguồn và được bổ nhiệm giữ các vị trí chủ chốt chưa nhiều.

Càng lên các cấp học cao hơn, tỷ lệ nữ tham gia quản lý càng giảm, số lượng Giám đốc nữ giảm so với năm trước.

Việc tập huấn theo chuyên đề về giới và lồng ghép giới trong công tác quản lý lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới trong giáo dục còn hạn chế.

Nhiều địa phương, đơn vị chưa xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai kế hoạch hoạt động của ngành về bình đẳng giới và tiểu Đề án II. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo ở một số đơn vị còn chưa nghiêm túc.

Định kiến giới vẫn còn tồn tại trong nhiều cơ quan đơn vị. Công tác đánh giá quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng câu lạc bộ nữ ở một số địa phương đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có tính chiến lược lâu dài.

Một bộ phận chị em còn mặc cảm, tự ti thiếu sự phấn đấu vươn lên. Nhiều nơi thiếu nguồn lực để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên miền núi, vùng khó khăn và thực hiện tiểu Đề án II…

Tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục một số khó khăn, hạn chế; theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Cần quá triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác nữ, công tác bình đẳng giới.

Rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch hành động của ngành để từ đó đề ra các giải pháp thiết thực cụ thể phù hợp với thực tiễn của đơn vị địa phương để đạt được các mục tiêu đề ra vào năm 2015.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ quản lý nữ các cấp gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng một cách hợp lý đội ngũ cán bộ nữ.

Quan tâm bồi dưỡng giới thiệu nữ cán bộ quản lý cho các cấp trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Rà soát hoàn thiện các chính sách đối với nữ nhà giáo.

Đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng, tạo điều kiện để mọi người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Tiếp tục triển khai các đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, thực hiện tốt các chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai nội dung giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái.

Tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ. Tổ chức ngày hội sáng tạo của phụ nữ ngành Giáo dục trong năm 2014

Tiếp tục triển khai, thực hiện đồng bộ, sâu rộng các mục tiêu kế hoạch hoạt động trong 2 năm 2014 và 2015. Nữ cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên được tuyên truyền nhận thức rõ sự cần thiết phải giáo dục rèn luyện theo các phẩm chất, đạo đức, phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề về giới và lồng ghép giới trong công tác quản lý lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới trong giáo dục ở các cấp...

Tập huấn về tiểu Đề án II “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn 2011 - 2015” cho các trường đại học, cao đẳng không trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Minh Phong

Bình luận