Đang xử lý.....

Dạy học theo hướng tích cực –nhìn từ cơ sở 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Hai, 10/12/2012, 00:00 (GMT+7) 665

(GD&TĐ) - Khuyến khích sự tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh là mục đích của đổi mới phương pháp dạy và học. Vấn đề này dường như đã không còn xa lạ đối với các nhà quản lý giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, trong thực tế, dạy học theo hướng tích cực lại không dễ dàng, trôi chảy đối với tất cả mọi GV. Còn không ít những giờ dạy diễn ra một cách buồn tẻ, nặng nề, có khi quá tải đối với HS mà thầy giáo vẫn…ung dung, tự tại. Làm gì để khắc phục tình trạng này? Sau đây là một vài kinh nghiệm mà chúng tôi thu thập được qua trực tiếp dự giờ, thăm lớp một số trường học trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.     

 Những yếu tố chi phối sự tích cực

Một quan niệm rất thiếu thực tế khi cho rằng, các GV trẻ có sức bật và khả năng sáng tạo hơn là các GV lâu năm trên bục giảng. Tính tích cực trong hoạt động dạy và học phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước tiên phải là vai trò “khơi ngòi” và “ giữ lửa” của người thầy. Có lần, tôi đến một trường trung học cơ sở vào đợt có SV sư phạm hực tập. Khi hỏi các em HS có thích học những tiết GV trẻ dạy thực tập hay không. Thật bất ngờ, một HS trả lời là chỉ thích họ sinh hoạt cùng các em trong giờ chủ nhiệm, còn không thích họ lên lớp dạy chính khóa, “cô dạy khó hiểu còn các bạn thì ít tập trung, hay nói chuyện riêng, chứ không như cô giáo em (GV bộ môn) luôn dạy dễ hiểu và các bạn sôi nổi phát biểu xây dựng bài”-em HS đã nói như vậy!

Qua thăm dò chất lượng đội ngũ ở một số trường trọng điểm của huyện, của tỉnh, thành phố, chúng tôi cũng thấy không hiếm thầy, cô giáo có tuổi đời cao, dạy lâu năm là GV giỏi, đầy nhiệt tâm, được HS yêu thích. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một bộ phận GV trẻ nhưng chây lười về trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến những giờ lên lớp bị động, lúng túng còn hậu quả về chất lượng thì HS phải gánh chịu. 

Một số Sở, Phòng cũng thường có xu hướng chọn GV trẻ, bề ngoài có vẻ năng nổ, nhiệt tình để làm chuyên viên Phòng, Ban, hay bộ phận phổ thông. Cũng cần chú thích thêm rằng, sự năng nổ, nhiệt tình “công vụ” hoàn toàn khác với “ lửa” nhiệt tình trong chuyên môn. Kết quả của lối chọn lựa như vậy đôi khi gây hậu quả ngược, thay vì một chuyên viên khi đi cơ sở dự giờ, khảo sát có thể đánh giá đúng tay nghề của GV nào đó thì lại đánh giá một cách sai lệch làm giảm ý chí, niềm tin của họ.

Một đối tượng khác nữa cần phải nói đến là đối tượng GV không thiếu năng lực nhưng thuộc dạng “chây ì”, bảo thủ, không chịu thích nghi với cái mới. Khi đặt vấn đề tìm hiểu phong trào dạy học tích cực ở TP Huế, chúng tôi được lãnh đạo Phòng đưa đi dự giờ một tiết dạy Ngữ Văn 9 tại Trường THCS Nguyễn Chí Diễu, một trường thuộc hàng “ cây đa, cây đề” của ngành GD-ĐT thành phố. Được Ban giám hiệu giới thiệu người thực hiện tiết dạy là một thầy giáo Tổ trưởng tổ Văn có “thâm niên” nghề nghiệp, chúng tôi đã chắc thế nào cũng được dự một tiết dạy theo đúng nghĩa tích cực. Nhưng kết quả, đó là một tiết dạy gần như theo PP cũ, truyền thụ một chiều: thầy hỏi- trò trả lời - thầy ghi bảng-học trò chép theo một cách máy móc. Chúng tôi cho rằng, việc hướng dẫn HS tìm hiểu bài thơ “ Mùa Xuân nho nhỏ” (một bài thơ hay, nổi tiếng của nhà thơ Thanh Hải) là không mấy khó khăn, nếu thầy chịu khó tìm tòi để có một hệ thống câu hỏi tối ưu, kích thích được hứng thú cảm thụ tác phẩm của số đông HS; hay thầy có thể kết hợp đan xen nhiều biện pháp khác như cho HS thuyết trình độc lập, bàn luận theo nhóm, diễn ngâm, nghe băng nhạc ở cuối tiết học…

Một GV có kiến thức văn học tương đối vững vàng, có sở trường về phong cách, giọng điệu như thầy giáo dạy Văn ở Trường THCS Nguyễn Chí Diễu kể trên mà lại không thể có được tiết dạy phát huy tính tích cực, sáng tạo của HS? Phải chăng, đó là do thầy đã chủ quan vào vốn hiểu biết sẵn có của mình trước một tác phẩm văn chương đã từng dạy đi dạy lại trong nhiều năm, hay còn vì lý do nào khác? Sự chuẩn bị chu đáo, chú tâm vào đổi mới PP, tất sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Đây là điều chúng tôi đúc rút được từ một tiết dự giờ Tiếng Việt lớp 6, tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Cô giáo Đinh Thị Khiểm, người thực hiện tiết dạy đã đến tuổi về hưu, không thuộc diện GV giỏi, nhưng vẫn nỗ lực trong công việc soạn giảng, tìm tòi, để có được tiết dạy theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào có được đội ngũ lãnh đạo tâm huyết với nghề, sẽ tạo ra sinh khí  chung cho đội ngũ GV của mình. Ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi có được một đội ngũ như thế nên chất lượng HS giỏi nhiều năm qua luôn dẫn đầu huyện Phú Ninh. 

Tại Trường THPT An Lương Đông thuộc huyện Phú Lộc, một huyện nghèo của Thừa Thiên Huế, chúng tôi cũng bắt gặp một không khí dạy và học theo hướng tích cực, thể hiện rõ nét sự sâu sát trong chỉ đạo chuyên môn của lãnh đạo cũng như các chuyên viên của Sở và của cả BGH, đội ngũ tổ trưởng chuyên môn của Trường.

Công nghệ thông tin có thực sự là đòn bẩy?

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã không còn là khó khăn, khi chính mỗi cá nhân đều thấy rõ vai trò của CNTT trong đổi mới PP dạy học. Thừa Thiên Huế được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng trường học điện tử. Các đơn vị, trường học đều đã tạo điều kiện về tinh thần, vật chất giúp GV tự xây dựng bài giảng điện tử và các phần mềm giảng dạy, các thí nghiệm ảo…

Cách đây khoảng chỉ khoảng 5 năm, chúng tôi đến trường THPT An Lương Đông ở huyện Phú Lộc, từ cơ sở hạ tầng về CNTT đến việc ứng dụng CNTT của đội ngũ gần như là con số không. Vậy mà nay, nhà trường đã trang bị tương đối đầy đủ hệ thống các phòng học lý thuyết, phòng học thực hành thí nghiệm, tin học ngoại ngữ, công nghệ thuộc loại hiện đại của tỉnh, với trên 100 máy vi tính có nối mạng, nhiều máy chiếu Prjector. Phong trào soạn giảng bằng giáo án điện tử được đội ngũ GV tham gia và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua dự giờ cô giáo Võ Thị Tuyết Nhung với bài dạy “ Vi rút và bệnh truyền nhiễm” (bộ môn Sinh vật) ở lớp 10 A2, chúng tôi nhận thấy rõ sự hứng thú học tập của HS từ sự nhiệt tình, tận tâm của cô giáo khi sử dụng nhiều thao tác như chiếu phim, dùng tranh minh họa, bản đồ tư duy, điều khiển thảo luận theo nhóm…

Cô Nguyễn Thị Hường, GV dạy bộ môn Sinh vật của Trường THCS Nguyễn Chí Diễu cho biết, việc ứng dụng CNTT khi lên lớp giải quyết được nhiều khó khăn, chẳng hạn như với tình trạng một lớp trên 50 em như hiện tại, và còn thuận lợi trong việc tạo ra những giờ học sinh động, nhất là với những tiết thực hành. Theo cô Hường, ngoài hoạt động dạy chính khóa trên lớp, các GV cần tăng cường dự giờ, trao đổi chuyên môn với các GV khác trong cùng bộ môn, để học hỏi kinh nghiệm ứng dụng CNTT theo hướng tích cực của đồng nghiệp. Khả năng ứng dụng CNTT để đổi mới PP dạy học của GV cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào tuổi tác như một số người thường nghĩ mà phụ thuộc vào độ kiên trì, chịu khó học hỏi như trường hợp của cô Nguyễn Thị Hường, người có tới trên 30 năm trong nghề nêu trên.

Hay một điển hình khác tại thành phố Tam Kỳ-Quảng Nam, cô giáo Trương Kim Nhật, Tổ trưởng tổ ngoại ngữ của Trường THCS Lý Tự Trọng cũng đã sắp đến tuổi về hưu nhưng là người có nhiều sáng kiến trong ứng dụng CNTT để tạo ra những tiết học có sức thu hút đối với HS. Năm học vừa qua, cô Trương Kim Nhật cũng đã từng đạt một số giải cao trong ứng dụng CNTT vào soạn, giảng ở bộ môn tiếng Anh. 
            
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT chỉ thực sự là đòn bẩy của dạy học tích cực, nếu như ở mức độ vừa phải, hợp lý chứ không rơi vào tình trạng lạm dụng. Có không ít GV hiện nay còn rơi vào tình trạng “trình diễn” nội dung bài dạy với những hình ảnh, màu sắc bắt mắt, còn HS thì lại rơi vào tình trạng chiếu-chép một cách thụ động, không hiệu quả. Lại có những giờ học chỗ nào cũng sử dụng CNTT dẫn tới nhàm chán. Ngay trong tiết học gọi là có đổi mới phương pháp như của cô Võ Thị Tuyết Nhung ở Trường THPT An Lương Đông kể trên, chúng tôi vẫn nhận ra một điểm đáng tiếc: nếu như cô không sử dụng quá “liều lượng” các phương tiện, thiết bị dạy học, mà thiết kế một cấu trúc bài dạy khoa học hơn với những khoảng lặng thì hiệu quả sẽ còn cao hơn nhiều.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Bình luận