1. Cách ứng phó với cảm giác lo lắng trước thi
Đến thời điểm này, dù thế nào, các em hãy hướng về kỳ thi và các bài thi với sự tự tin. Hãy kiểm tra lại, chúng ta đã ôn tập và giải các dạng bài như thế nào trong thời gian qua. Mình đã làm tốt những gì, phát huy được điều gì và học được gì từ những hạn chế trong họp tập của môn học.
Suy ngẫm một chút về những gì có thể giúp các em đạt kết quả tốt hơn khi làm bài: ví dụ như đọc và quan sát kỹ, ghi chép ngay những ý tưởng chợt lóe lên, mình muốn làm điều gì trước khi bắt tay vào giải một bài tập, một đề thi luyện tập.
Chuẩn bị sớm và đầy đủ thẻ dự thi, giấy tờ tùy thân, dụng cụ cần thiết cho kì thi (phải có ít nhất 02 cây bút cùng màu, không nên sử dụng bút màu nước vì dễ bị lem mực; máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản và các dụng cụ được phép mang vào phòng thi theo Quy chế thi của Sở GDĐT).
Lên kế hoạch để ngủ thật ngon vào đêm trước ngày thi, không được để đói bụng trước khi vào phòng thi, nhưng tránh ăn những thức ăn có nhiều chất chua cay hay dầu mỡ sẽ khiến các em cảm thấy khó chịu.
Các em nên đến điểm thi sớm hơn một chút và tìm một chỗ để yên lặng, thư giãn. Không nên bàn bạc nói chuyện với những bạn khác, đặc biệt là những bạn đang lo lắng, những bạn có thái độ hoặc niềm tin chưa tốt khi tham gia dự thi, … sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý dự thi.
Ngay khi vào trong phòng thi, hãy cố gắng giữ tinh thần thật thoải mái. Các em có thể nhắm mắt thư giãn, hít thở sâu, đều đặn. Nếu chỗ ngồi bị chiếu sáng quá gắt, thiếu ánh sáng hoặc ảnh hưởng xấu bởi thời tiết các em có thể đề nghị các thầy cô giám thị hỗ trợ, hướng dẫn.
Khi nhận đề thi, hãy dành cho mình một chút thời gian để đọc thật kỹ yêu cầu của đề thi, lên kế hoạch quỹ thời gian làm bài cho thật hợp lý. Lập sơ đồ giả thiết và kết luận cho từng bài toán, ước lượng thời gian cho từng câu trả lời.
Nếu trong quá trình làm bài, các em bỗng thấy mình "không thể nhớ gì" thì hãy cứ viết tiếp một điều gì đó khác ra giấy nháp. Việc tiếp tục viết sẽ giúp các em liên kết và nhớ lại những gì bỗng quên một cách nhanh hơn.
Hãy tranh thủ những lúc phải dừng lại suy nghĩ để thay đổi tư thế cho dễ chịu hơn, giúp tăng tuần hoàn máu, tăng cường oxy lên não sẽ giúp ta tỉnh táo hơn.
2. Kinh nghiệm làm bài thi tuyển sinh vào lớp 10 môn toán
Không bao giờ được phép xem qua đề thi rồi lao vào làm bài, điều này có thể dẫn đến việc suốt cả thời gian thi các em chỉ làm được 1 câu. Vậy nên, sau khi nhận đề thi, các em nhất định phải đọc kỹ, kiểm tra trang in đề thi có rõ không, mờ chỗ nào, thiếu trang, thiếu nét, … để kịp thời báo với giám thị phòng thi.
Lưu ý việc trình bày trên giấy nháp các em cần hết sức cẩn thận, mỗi bài Toán đều có một mấu chốt, một “chìa khóa” để giải quyết nên khi nháp ra kết quả các em cần phải đóng khung để khoanh vùng lại nhằm tiện kiểm tra lại, hoặc sau khi làm xong bài tiếp theo, ta có thể quay lại kiểm tra, khóa đó sẽ gọn trong khung dễ nhìn không bị lẫn sang bài khác.
Trong khi làm bài nếu câu nào khó quá, suy nghĩ trong khoảng 15 đến 20 phút mà chưa ra thì lập tức phải chuyển ngay sang làm câu khác vì thời gian làm bài theo quy định.
Việc làm bài trong phòng thi khác với việc làm bài ở nhà, ở nhà các em có thể ngồi cả đêm để giải một bài Toán, nhưng khi thi phải giải nhiều bài Toán trong thời gian quy định, vậy rất cần phải giải nhanh, đồng thời cũng phải chính xác và có kế hoạch thời gian phù hợp nhất.
Việc trình bày lời giải cần phải chặt chẽ, lập luận logic từng bước một, tránh bỏ bước làm quan trọng; tuyệt đối không viết theo kiểu viết ở giấy nháp vì thang điểm chia rõ ràng, cụ thể đến từng 0,25 điểm. Nếu viết trên giấy nháp, thì phải giành đủ thời gian để chép lại bài làm vào giấy thi.
Đối với bài tự luận hình học (trong bài thi chuyên Toán) - bài chiếm khoảng 30% tổng số điểm bài thi; khi vẽ hình bài toán, các em chú ý đề bài cho hình gì thì hãy vẽ hình đó và làm đến đâu vẽ hình đến đó, có thực tế nhiều học sinh khi làm bài lại vẽ chung tất cả hình vào một hình. Một bài Toán có nhiều phần mà lại vẽ chung tất cả vào một hình sẽ rất khó quan sát, quan trọng là hình vẽ phải làm sao nhìn được và rõ hình, phải khai thác các tính chất trên hình đó thì mới giải bài toán được tốt.
Rèn luyện cách suy luận, phân tích đề bài: nếu biểu thị sai mối quan hệ giữa các đại lượng trong đề bài. Quên không đặt điều kiện bài toán, tính toán bị sai trong quá trình biến đổi, hoặc diễn đạt, trình bày lời giải chưa logic, … sẽ làm hạn chế kết quả làm bài. Các em cần đọc kỹ đề, tự phân dạng, phân tích các dữ liệu để giải quyết triệt để các yêu cầu mà bài toán đặt ra.
Chúc các em luôn tự tin để đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025.