Đang xử lý.....

Giúp học sinh thích lịch sử 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Bảy, 17/11/2012, 00:00 (GMT+7) 190
Giáo viên cần đột phá trong từng tiết giảng để học sinh thích thú khám phá những câu chuyện lịch sử ngàn năm của dân tộc.

(Thanh Nien Online)-Bằng hoạt động thực tế

Từ nhiều năm nay, khi có tiết học lịch sử, học sinh (HS) Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) thường hay được giáo viên chủ nhiệm dẫn ra Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Nguyễn Hoàng Bảo Thy - HS lớp 4/1 hào hứng: “Cô giáo chỉ đi cùng, còn lại suốt 40 phút, hướng dẫn viên của bảo tàng dẫn và kể cho chúng em nghe về các giai đoạn phát triển của thời kỳ tiền sử, các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Hán, Tống và Nguyên Mông… Sau đó, mỗi bạn lại kể lại cho nhau nghe qua hình thức viết thư về những kiến thức lịch sử mà mình đã biết”.

Một tiết mục kịch về anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính của học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM)
Một tiết mục kịch về anh hùng liệt sĩ Vừ A Dính của học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân
(Q.1, TP.HCM) - Ảnh: B.Thanh
 

Còn HS lớp 5 của Trường tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn nhớ mãi diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ qua mô hình trận địa do cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tuyền tỉ mỉ cắt, dán. Chỉ bằng những miếng xốp, mút và với nét vẽ nghiệp dư nhưng HS biết đâu là đồi Him Lam, đồi A1, đồi Độc Lập, bản Hồng Cúm… Ngoài ra, để HS cảm nhận được không khí sôi sục của chiến dịch này, cô Thanh Tuyền còn nhờ người thân gắn đèn nhấp nháy miêu tả đoàn xe của bộ đội Việt Nam và ghép âm thanh máy bay, xe tăng miêu tả sự điên cuồng của thực dân Pháp…

Cũng với ý tưởng tái hiện lại lịch sử quá trình xây dựng kinh thành Huế, cô Phạm Thị Thùy - giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho HS thưởng thức những đoạn phim tư liệu về chủ đề này. Nguyễn Ngọc Giang Phương - HS lớp 5/3 của trường thích thú: “Em chưa bao giờ được đi Huế nhưng khi đến lớp, em được biết triều đại phong kiến cuối cùng của nước mình và được “du lịch qua màn ảnh nhỏ” những di tích như Tử Cấm thành, điện Thái Hòa, Ngọ Môn…”.

Ngoài ra, để HS biết, hiểu về lịch sử và thích thú với môn học được coi là khô khan này, từ 4 năm nay, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) xây dựng chương trình Sử ca học đường với gần 20 tiết mục kịch từ thời kỳ phong kiến cho đến giai đoạn lịch sử hiện đại. Bà Nguyễn Trần Diễm Linh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Nhân vật trong mỗi tiết mục hoàn toàn đều do HS đóng do đó đòi hỏi các em phải đọc, tìm hiểu nhiều tư liệu và hiểu một cách sâu sắc về các nhân vật mà mình đảm nhận”.

Đi từ tình cảm đến lý trí

Khi nói về phương pháp dạy lịch sử cho HS tiểu học, các giáo viên của bậc học này đều cho rằng phải làm sao để HS hiểu, cảm nhận, từ đó dần dần thích thú với môn học. Muốn làm được việc đó, trước hết giáo viên cũng phải yêu thích lịch sử.

Giáo viên Phạm Thị Thùy của Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp (Q.Tân Bình) từng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp rằng: “Giáo viên cũng nên thường xuyên thay đổi hình thức trong một tiết dạy để tránh gây nhàm chán. Chẳng hạn như khi giới thiệu kiến thức trong sách khoa thì sử dụng phim ảnh minh họa sau đó mở rộng kiến thức bằng phim tư liệu…”. Bà Nguyễn Trần Diễm Linh cho rằng: “Cần cho trẻ tiểu học dấn thân bằng tình cảm với lịch sử qua những sự kiện hay những nhân vật lịch sử. Bởi lứa tuổi này luôn luôn ngỡ ngàng với những sự kiện lớn, với những nhân vật lớn. Thế nên việc đóng kịch, vẽ tranh, sưu tầm, triển lãm, viết bài kể lại những điều em nhớ về nhân vật lịch sử... sẽ dần dần hình thành một tình cảm lịch sử, các em sẽ thấy mọi điều trong lịch sử đều thiêng liêng. Tình cảm lịch sử đó khi lên bậc học cao hơn sẽ phát triển thành lý trí lịch sử”.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, bày tỏ: “Với HS tiểu học, dạy bằng những phương pháp trực quan sinh động sẽ kích thích khả năng sáng tạo và phát huy tối đa các kỹ năng của HS. Nhà trường và giáo viên nên mạnh dạn tổ chức dạy và học bằng phương pháp này cho dù để tổ chức những tiết học này đòi hỏi giáo viên phải làm việc nhiều hơn so với những giờ học thông thường”.

Bích Thanh

Bình luận