Đang xử lý.....

Tham khảo đề kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh cấp THPT 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Chủ Nhật, 06/04/2014, 00:00 (GMT+7) 1375

Tham khảo đề kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh cấp THPT

GD&TĐ - Trong kì thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới, cần đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh theo hướng vận dụng cách hỏi của PISA. Sau đây là đề thi tham khảo.

 

Ví dụ 1. Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi dưới đây:

 

“Có người nghĩ rằng cần có nhiều tiền mới có thể hưởng thụ thực sự. Nhưng không. Với tiền, bạn có thể sở hữu nhiều thứ. Nhưng chỉ sở hữu thôi thì không mang lại hạnh phúc. Và chỉ sở hữu, không có nghĩa là biết hưởng thụ.

 

Một người biết tận hưởng chiếc máy ảnh xịn khác với một người sở hữu máy ảnh chỉ vì muốn người khác khen là nó rất xịn. Một người thực sự hiểu, và biết tận hưởng tốc độ, tiện nghi của chiếc xe hơi khác với một người mua nó chỉ vì tin rằng việc sở hữu nó sẽ chứng tỏ mình thành đạt.

 

Một người thực sự am hiểu hội họa, và biết giá trị của bức tranh mình mua sẽ rất khác một người bỏ nhiều tiền mua tranh chỉ để nghe những lời trầm trồ của người khác trong phòng khách nhà mình.

 

Có người nghĩ rằng hưởng thụ cuộc sống đồng nghĩa với vật chất. Nhưng không. Hưởng thụ cuộc sống tức là tận hưởng mọi thứ tốt đẹp mà cuộc đời và vũ trụ mang đến cho bạn. Vật chất, tinh thần, thể xác.

 

Cổ điển hay hiện đại. Nắng và gió, ngày và đêm. Mặt trời, mặt trăng, cây cối, núi sông và cỏ dại. Tình bạn, tình yêu. Mọi thứ, nếu bạn có thể nhận ra. Đáng buồn là nhiều lúc, chúng ta không nhận ra chúng, mà chỉ nhìn thấy những ảo ảnh khác. Chúng ta bị ảo giác.

Chúng ta chỉ sở hữu mà cứ ngỡ mình đang được hưởng thụ. Đó là một ảo giác. Hoặc chúng ta đang trải qua điều này mà cứ tưởng rằng mình đang hưởng thụ một điều khác. Đó là một ảo giác khác. Ví như khi bạn tưởng mình đang tận hưởng một tình yêu say đắm, nhưng thật ra, chỉ là những thỏa mãn nhục dục. Không hơn.[…]

Hưởng thụ, hay chỉ trải qua? Kết quả khác nhau chính là sự mãn nguyện. Khi chỉ trải qua, chúng ta thường hay băn khoăn:

 

Phải chăng đó đã là cái đẹp thực sự? Chuyến du ngoạn đáng giá? Bữa ăn đáng tiền? Phải chăng chiếc điện thoại đó là “đỉnh” nhất? Chiếc áo đó đã là đẹp nhất? Phải chăng ta đã có được thứ tương xứng với những gì ta bỏ ra?

 

Những người thực sự hưởng thụ thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện. Những người thực sự tận hưởng hạnh phúc cũng vậy, họ mãn nguyện. Niềm vui đôi khi bị thúc đẩy bởi nhu cầu phải hét toáng lên cho cả thế gian. Nhưng sự mãn nguyện thường có khuôn mặt rất lặng lẽ, và hiếm khi phô trương.

 

Tôi nhận ra rằng để hưởng thụ thực sự, chúng ta cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có, và biết cách tận hưởng tối đa những gì mình xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ”. (Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, tr.140)

 

Câu 1: Dòng nào dưới đây nêu đúng quan niệm của tác giả trong đoạn văn bản trên?

 

A. Hưởng thụ cuộc sống có nghĩa là hưởng thụ vật chất.

 

B. Hưởng thụ cuộc sống là tận hưởng mọi thứ tốt đẹp mà cuộc đời và vũ trụ mang đến cho bạn.

 

C. Hưởng thụ cuộc sống là sở hữu mọi thứ.

 

D. Hưởng thụ cuộc sống là thỏa mãn nhục dục trong tình yêu say đắm

 

(Mục đích của câu hỏi: Thu thập thông tin cốt lõi trong đoạn văn để hiểu chính xác, đầy đủ quan niệm của người viết).

 

Câu 2: Ý nào dưới đây không phải là quan niệm của tác giả?

 

A. Chỉ sở hữu không có nghĩa là biết hưởng thụ.

 

B. Mãn nguyện là thực sự tận hưởng hạnh phúc, là biết hưởng thụ.

 

C. Cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức để hưởng thụ thực sự.

 

D. Cần có nhiều tiền mới có thể hưởng thụ thực sự.

 

(Mục đích của câu hỏi: Thu thập thông tin cốt lõi trong đoạn văn để hiểu chính xác, đầy đủ quan niệm của người viết).

 

Câu 3: Tác giả thuyết phục người đọc về quan điểm của mình chủ yếu bằng cách lập luận nào?

 

A. Giải thích khái niệm “hưởng thụ”

 

B. Phân tích các biểu hiện của “hưởng thụ”

 

C. Chứng minh sự “hưởng thụ thực sự” trong đời sống

 

D. Bác bỏ ý kiến khác về “hưởng thụ”

 

(Mục đích của câu hỏi: Yêu cầu HS đọc lại nhiều lần đoạn VB để nhận ra phương pháp lập luận chủ yếu của tác giả là bác bỏ: đưa ra ý kiến trái ngược để tranh luận và bày tỏ quan niệm của mình).

 

Câu 4: Giọng điệu tranh luận của tác giả trong đoạn VB là gì?

 

A. Nhẹ nhàng mang tính chất chiêm nghiệm

 

B. Gay gắt mang tính chất phản đối

 

C. Mạnh mẽ mang tính hùng biện

 

D. Mỉa mai mang tính phê phán

 

(Mục đích của câu hỏi: Yêu cầu HS đọc lại nhiều lần đoạn VB để nhận ra tác dụng các thủ pháp điệp cấu trúc câu, dùng nhiều câu hỏi tu từ, câu phủ định, câu định nghĩa,… tạo giọng tranh luận nhẹ nhàng mang tính chiêm nghiệm phù hợp với việc nêu quan niệm riêng về hưởng thụ mà không mang tính áp đặt).

 

Câu 5: Tác giả của đoạn văn bản trên có viết tiếp rằng: “Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn sẽ luôn thấy mình đã sống rất sâu. Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?”

Theo anh/chị, quan niệm “sống thật sâu” của người viết đoạn VB trên gần gũi nhất với quan niệm sống nào dưới đây?

 

A. Để làm ngọn lửa con.

 

Nến tự thiêu mình trong nước mắt (Nguyễn Ngọc Ký)

 

B. Người vá trời lấp bể

 

Kẻ đắp lũy xây thành

 

Ta chỉ là chiếc lá

 

Việc của mình là xanh. (Nguyễn Sĩ Đại)

 

C. Sống toàn tâm toàn trí sống toàn hồn

 

Sống toàn thân và thức nhọn giác quan (Xuân Diệu)

 

D. Lẽ nào vay mà không có trả

 

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình (Tố Hữu)

 

(Mục đích của câu hỏi: Kết nối thông tin trong VB với nhau, và trong mối liên hệ với kiến thức, kinh nghiệm đọc hiểu của bản thân.)

 

Câu 6: “Hưởng thụ cuộc sống tức là tận hưởng mọi thứ tốt đẹp mà cuộc đời và vũ trụ mang đến cho bạn”. (Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn).

 

Em đồng tình hay phản đối với quan niệm “hưởng thụ cuộc sống” của Phạm Lữ Ân? Vì sao?

 

(Mục đích của câu hỏi: Áp dụng kiến thức đọc hiểu trong tình huống mới để bày tỏ quan niệm của mình).

 

Ví dụ 2. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

 

“Con sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, sông Đà gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng.

 

Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy.

 

Tôi nhìn cái miếng sáng loé lên một màu nắng tháng Ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn, bươm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.

 

Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm, ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dù người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy” (Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà).

 

Câu 1: Viết tiếp vào dấu ba chấm, tạo thành mệnh đề đúng: Nguyễn Tuân là …

 

Viết đoạn văn diễn dịch khoảng 30 câu, lấy mệnh đề vừa hoàn thành làm câu chủ đề.

 

(Mục đích của câu hỏi: Vận dụng kiến thức về tác giả, tác phẩm, tạo lập đoạn văn nghị luận hoặc thuyết minh).

 

Câu 2: Đoạn văn viết theo kiểu nào:

 

A. Diễn dịch

 

B. Quy nạp

 

C. Tổng – phân – hợp

 

D. Móc xích

 

(Mục đích của câu hỏi: Đọc khái quát, nhận biết kiểu viết đoạn)

 

Câu 3: Biện pháp tu từ sử dụng hiệu quả nhất trong đoạn văn là gì?

 

A. Nhân hóa

 

B. So sánh

 

C. Ẩn dụ

 

D. So sánh và nhân hóa

 

(Mục đích của câu hỏi: Đọc kĩ, nhận biết cách sử dụng từ ngữ)

 

Câu 4: Tác giả của câu thơ “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” trích trong đoạn văn trên là ai?

 

A. Đỗ Phủ

 

B. Nguyễn Khuyến

 

C. Lý Bạch

 

D. Thôi Hiệu

 

(Mục đích của câu hỏi: Nhớ lại tác giả đã học)

 

Câu 5: Đoạn văn trên sử dụng kiểu câu chủ yếu nào?

 

A. Câu mở rộng thành phần

 

B. Câu đặc biệt

 

C. Câu rút gọn

 

D. Câu đơn

 

(Mục đích của câu hỏi: Đọc kĩ, nhận biết cách sử dụng cú pháp)

 

Câu 6: Vì sao tác giả viết “tôi nhìn sông Đà như một cố nhân” ?

 

A. Vì “Đối với mỗi người, sông Đà gợi một cách.”

 

B. Vì “Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu…”, “Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra sông Đà…”

 

Câu 7: Cảm xúc chủ yếu của nhân vật “tôi” trong đoạn văn trên là gì?

 

A. Nhớ thương, bồi hồi, xao xuyến

 

B. Bâng khuâng, vui sướng, ngỡ ngàng

 

C. Háo hức, hân hoan, thương mến

 

D. Rạo rực, rộn ràng, hứng khởi

 

E. Viết ý kiến riêng của anh/chị:

 

(Mục đích của câu hỏi: Đọc kĩ, nhận biết, phát hiện nội dung từ các dấu hiệu ngôn ngữ cụ thể)

 

Câu 8: Viết cảm nhận của anh/chị về đoạn văn trên (trong khoảng 1 trang giấy).

(Mục đích của câu hỏi: Vận dụng kiến thức đọc hiểu, tạo lập đoạn văn nghị luận phân tích, lí giải, đánh giá về giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn văn).

Phạm Thị Huệ - Sở GD&ĐT Nam Định

Bình luận