Đang xử lý.....

“Nữ tài xế” xe ôm và 3 người con thành tài 

Tương phản: Tăng tương phản (Tăng tương phản+) Giảm tương phản (Giảm tương phản-)
Thứ Ba, 25/12/2012, 00:00 (GMT+7) 7045

(Đồng Khởi Online)-Theo chỉ đường của người dân địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình cô Lê Thị Sậm vào một buổi trưa, khi mà khách trong quán cô đã ngơi dần. Tiếp chúng tôi bằng một nụ cười tươi và sự nhiệt tình, cô Sậm vui vẻ kể về cuộc đời nhiều vất vả nhưng đầy hoa thơm quả ngọt từ thành quả học tập của 3 người con.

Cô sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Thạnh Ngãi (Mỏ Cày Bắc), lập gia đình về sống tại quê chồng Tân Phú Tây từ năm cô 17 tuổi. Nhà chồng cho cô ra riêng với 2.000m2 đất vườn và 1.200m2 đất ruộng. Thời đó, thu hoạch mỗi năm một vụ mía và 2 vụ lúa nên không đủ sống, trong khi cô đã có 3 người con. Để cải thiện hoàn cảnh kinh tế, chồng cô Sậm - chú Nguyễn Khắc Dũng phải đi bắt heo hơi thuê, nhưng cũng bấp bênh. Sau thời gian thất nghiệp, chú quyết định cùng người em trai hùn vốn mua ghe ra làm lái buôn heo theo sự chỉ dẫn của bạn bè. Dẫu cố gắng nhiều vậy mà số phận lại không mỉm cười, bị thua lỗ trầm trọng chú đành bán ghe lên bờ. Sau đó, chú tham gia du kích xã Tân Phú Tây. Lúc này, 3 người con của cô chú đã đi học, kinh tế gia đình càng chật vật hơn, vợ chồng cô bươn chải nhiều hơn với đủ nghề. Từ một nông dân chân chất, cô chuyển sang làm hàng xáo, mua lúa tự chà rồi ra chợ bán gạo để kiếm lời. Cô Sậm tâm sự: “Ai kêu gì cô chú cũng làm, để có tiền cho con ăn học”. Sáng ra chợ, chiều về, cô chú cuốc đất trồng khoai, tối tranh thủ trồng thêm cam trên miếng đất vườn nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Do thức khuya dậy sớm, lại làm việc quá nặng nhọc nên sức khỏe của cô bắt đầu yếu đi, vì vậy cô quyết định chuyển sang chạy honda ôm.

Thời gian đầu, do chưa rành đường, cô chạy những tuyến gần nhà, sau quen dần cô bắt đầu có những chuyến xe hàng chục cây số trong ngày. Cô Sậm kể, nữ mà chạy xe ôm, thời gian đầu ai cũng nhìn cô với ánh mắt e dè, nhưng khi hiểu được hoàn cảnh, mọi người rất tích cực giúp đỡ, thu nhập nhờ đó có cải thiện. Lúc này, chú Dũng đã là Phó Công an xã. Ngoài thời gian tập trung cho công việc, chú còn tranh thủ chăm sóc vườn cam đang chuẩn bị cho trái. Giai đoạn này, các con cô lần lượt vào đại học. Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ nên ngoài giờ học, các con của cô còn đi làm thêm, từ giao báo đến chạy bàn nhà hàng, dạy kèm để phụ thêm chi phí học tập, bớt đi gánh nặng cho gia đình. Nhờ cố gắng, kiên trì cùng với sự nhẫn nại mà hiện nay các con cô đều đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Con trai Nguyễn Khắc Duy tốt nghiệp Đại học Kinh tế, nay là Thạc sĩ, Giám đốc Ngân hàng Đông Á huyện Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh; cô con gái thứ 3 Nguyễn Thị Trúc Linh tốt nghiệp Đại học Y dược, nay là Tiến sĩ Y khoa, hiện công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1; cô con gái út Nguyễn Thị Trúc Quyên tốt nghiệp Đại học Y dược, chuyên ngành xét nghiệm, hiện đang công tác tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ-TP. Hồ Chí Minh.

Vất vả, khó khăn đã qua đi, công sức cô chú đã được đền bù xứng đáng từ thành tích học tập của các con. Vinh dự hơn là gia đình cô sẽ là một trong 5 gia đình của tỉnh tham dự đại hội tuyên dương gia đình hiếu học do Trung ương Hội Khuyến học tổ chức. Để phần nào chia sẻ với trẻ em nghèo không có khả năng đến trường, hàng năm, các con cô đều trích một phần thu nhập và vận động bạn bè ủng hộ cho quỹ khuyến học của xã, hỗ trợ công tác giảm nghèo của địa phương. Năm 2012, gia đình cô ủng hộ 30 triệu đồng cho xã Tân Phú Tây xây dựng một cây cầu. Tuy không nhiều nhưng đây là một trong những hành động thiết thực góp phần hỗ trợ địa phương trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng nông thôn mới.

Thiên Ân

Bình luận